1. Tuổi thọ bóng LED?
Cũng như các loại bóng đèn khác, bóng LED cũng được áp dụng khái niệm tuổi thọ gắn liền với độ duy trì quang thông và tỷ lệ hỏng.
Vì LED không có “tim đèn” nên (trong điều kiện phát sáng bình thường) quang thông của bóng LED sẽ giảm dần về zero chứ không đột ngột “tắt” như các loại bóng có dây tóc (halogen, bóng sợi đốt) hoặc bóng có điện cực khác (huỳnh quang, phóng điện). Như vậy, mức suy giảm quang thông của bóng LED tới mức thấp nào vẫn chấp nhận được để rọi sáng đạt yêu cầu?
Người ta đưa ra khái niệm tuổi thọ tương ứng với độ duy trì quang thông và tỷ lệ hỏng, thường thấy viết tắt trong tài liệu kỹ thuật là L**B**@**giờ.
Ví dụ: bóng LED có L95 B10@50000 giờ.
Nghĩa là: khi thắp sáng đến thời điểm 50.000 giờ thì độ sáng còn lại ít nhất là 95% so với ban đầu và tỷ lệ LED hỏng là ít hơn 10%.
Theo đó, có thể hiểu bóng LED có “L95 B10 @50.000 giờ” sẽ tốt hơn so với loại LED được ghi tuổi thọ là “L80 B50 @30.000 giờ”.
Như vậy, nếu bóng LED nào được công bố là “tuổi thọ 50.000 hoặc 60.000 giờ” mà thiếu các thông tin liên quan như độ duy trì quang thông và tỷ lệ hỏng, thì tuổi thọ đã công bố đó vẫn chưa đủ và chưa đáng tin.
2. Độ trung thực màu là gì? Có ảnh hưởng gì đến chất lượng bóng đèn không? Ứng dụng trong thực tế?
Độ trung thực màu là độ thật của màu sắc của vật thể khi chúng ta thấy được nhờ nguồn sáng nào đó (bóng đèn, ánh sáng trời,…)
Độ trung thực màu liên quan chặt chẽ đến chất lượng của bóng đèn. Có nơi cần sử dụng độ trung thực màu cao, ví dụ: phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm; nhưng cũng có nơi chỉ cần độ trung thực màu thấp như đèn đường chiếu sáng công cộng. Ta có thể gọi độ trung thực màu là độ hiển thị màu.
Tùy thuộc vào vị trí và mục đích sử dụng, ánh sáng nhân tạo phải tạo điều kiện cho mắt người cảm nhận màu sắc trung thực như khi nhìn dưới ánh sáng tự nhiên. Các chỉ số đánh giá trong trường hợp này là chỉ số tái hiện màu sắc vật thể của nguồn sáng, đánh giá chất lượng của nguồn sáng đó, thường được gọi là chỉ số hiển thị màu (chỉ số hoàn màu, chỉ số tái tạo màu). Chỉ số hiển thị màu là phương thức so sánh các sắc độ của một vật thể cụ thể dưới nguồn sáng cần kiểm tra với sắc độ cũng của vật thể ấy dưới nguồn sáng tham chiếu.
Người ta sẽ dùng nguồn sáng cần kiểm tra độ hiển thị màu, rọi sáng bảng màu gồm các màu chuẩn đó. Theo tiêu chuẩn DIN6169, bảng màu chuẩn có thể gồm 8 hoặc 14 màu. Sau đó, cũng rọi sáng các màu chuẩn đó bằng nguồn sáng tham chiếu. Nếu sai lệch màu càng ít, thì nguồn sáng cần kiểm tra đó có chỉ số hiển thị màu càng cao. Nguồn sáng có chỉ số hiển thị màu 100 hiển thị màu sắc hoàn hảo như nguồn sáng tham chiếu. Chỉ số hiển thị màu càng thấp, thì độ tái tạo màu sắc càng thấp và thiếu trung thực.
Nguồn sáng độ trung thực màu cao nhất chính là ánh sáng mặt trời.
Bóng đèn có chỉ số hiển thị màu càng cao, mắt người sẽ nhìn thấy rõ và phân biệt được nhiều màu sắc “gần nhau” trên vật thể có nhiều màu. Bóng đèn có chỉ số hiển thị màu cao thường dùng trong các ứng dụng: rọi sáng biển quảng cáo, tượng đài, công viên; chiếu sáng để quay phim, chụp ảnh, chiếu sáng sân khấu, chiếu sáng truyền hình trực tiếp các sự kiện thể thao; chiếu sáng quầy hàng trong siêu thị, shop thời trang, mỹ phẩm; chiếu sáng để so màu trong in ấn,…
3. Độ chói là gì? Đơn vị đo độ chói?
Độ chói là đại lượng đánh giá độ sáng của một vật thể hoặc của một bề mặt tác động lên mắt người. Đơn vị đo độ chói là candela/m2.
Độ sáng của một vật thể có thể như nhau, nhưng tùy thuộc vào kích thước và bề mặt của nó, có thể tạo cho mắt người cảm giác sáng hoặc chói. Ví dụ:
Bóng đèn có quang thông là 100 lumen, với đường kính là 10mm sẽ cho mắt người quan sát cảm giác sáng hoặc chói hơn so với bóng đèn cũng có cùng quang thông, nhưng đường kính là 100mm. Lý do: quang thông được dàn trải ra trên bề mặt rộng hơn, nên cho cảm giác sáng hoặc chói khác đi. Điều này cũng dễ trải nghiệm nếu quan sát bóng đèn halogen có cùng quang thông nhưng kích thước bé hơn nhiều, độ chói sẽ tăng lên vì ánh sáng tập trung tại một bề mặt nhỏ hơn.
Nếu cùng rọi sáng 2 bề mặt khác nhau bằng một nguồn sáng (bóng đèn) như nhau, thì bề mặt nào có độ phản xạ ánh sáng tốt hơn (mặt gương, mặt bàn được sơn màu sáng,…) sẽ cho cảm giác sáng hoặc chói hơn bề mặt xù xì hoặc sơn màu sẫm hơn. Lý do: ánh sáng đã được hấp thụ một phần vào bề mặt xù xì hoặc có màu sẫm hơn.
4. Quang thông là gì? Đơn vị đo quang thông?
Quang thông là ánh sáng của một lượng ánh sáng tỏa ra theo mọi hướng của một nguồn sáng. Quang thông cho biết khả năng sản xuất nguồn sáng (bóng đèn, mặt trời, đốm lửa,…). Khả năng sản xuất ánh sáng có thể nhiều hoặc ít. Muốn đo quang thông, phải có một thiết bị đặc biệt mà chỉ nhà sản xuất hoặc phòng thí nghiệm mới có thể trang bị được.
Đơn vị đo quang thông là lumen, ký hiệu là lm. Thông thường, trong catalog sản phẩm bóng đèn, sẽ có thông số kỹ thuật này. Người ta thường dùng thông số kỹ thuật này để tính toán số lượng thiết bị chiếu sáng cần thiết theo một điều kiện cụ thể nào đó trong công trình.
5. Độ rọi là gì? Đơn vị đo? Ứng dụng của độ rọi trong kỹ thuật chiếu sáng?
Độ rọi là quang thông trên một đơn vị diện tích, tính bằng lumen/m2, đơn vị là lux.
Hoạt động của mắt người phụ thuộc rất nhiều vào độ rọi sáng trong tầm nhìn, nhưng khi độ sáng tăng thì hoạt động chung và động lực tăng theo, trong khi đó sai sót lại giảm dần.
Độ sáng lại tùy thuộc vào tính chất và độ chính xác của công việc đó.
Độ rọi đủ tại khu vực làm việc tùy vào việc chọn lựa bóng đèn, thiết bị chiếu sáng, tính toán đúng số lượng thiết bị chiếu sáng và cách lắp đặt phù hợp với cấu hình thiết bị chiếu sáng đó.
Độ rọi của một số nguồn sáng điển hình với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày:
- Ngày hè nhiều nắng: 60.000 ~ 100.000 lux
- Ngày hè nhiều mây: 20.000 lux.
- Ngày mùa đông âm u: 3.000 lux.
- Đêm trăng tròn: đến 0.25 lux.
- Bầu trời đầy sao: đến 0.01 lux.
Trong kỹ thuật chiếu sáng, độ rọi được dùng để tính toán bố trí thiết bị chiếu sáng trong một công trình cụ thể, tùy thuộc yêu cầu và hoạt động của công trình đó.
Thiết bị để đo độ rọi là quang kế, có nơi gọi là lux kế, gọi đơn giản là máy đo độ sáng.
6. Quang hiệu của đèn?
Đây là từ Hán – Việt, có nghĩa là “hiệu suất phát sáng”.
Mục tiêu của bóng đèn là biến đổi điện thành ánh sáng càng nhiều càng tốt, mà điện tiêu thụ càng ít càng tốt.
Quang hiệu cho biết bóng đèn sử dụng điện để biến đổi thành ánh sáng có hiệu quả không, căn cứ trên sản lượng ánh sáng phát ra (lumen) so với điện năng tiêu thụ (W). Tỷ số này càng lớn thì quang hiệu càng lớn, nói cách khác, bóng đèn sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Đơn vị đo quang hiệu là lumen/W.
Muốn biết quang hiệu của bóng đèn nào đó, tra catalog để có 2 thông số: quang thông và công suất. Làm phép chia quang thông cho công suất, sẽ được kết quả là quang hiệu.
Ví dụ: tra bảng trên bên trái, là thông số của bóng sợi đốt, ta thấy bóng đèn 150W sản xuất ra được 2160 lumen.
Vậy quang hiệu của bóng đèn này là: 2160/150=14.4
Tra bảng bên phải, là thông số của bóng sodium, ta thấy bóng đèn cùng công suất 150W nhưng sản xuất được 17500 lumen.
Quang hiệu là: 17500/150=116.6667
Từ hai kết quả trên, ta có thể kết luận: bóng đèn sodium có quang hiệu cao hơn bóng đèn đốt tim. Tức là, bóng sodium sử dụng năng lượng hiệu quả hơn bóng đèn đốt tim. Điều này tương tự với khái niệm tiết kiệm điện: sử dụng cùng mức năng lượng nhưng làm được nhiều việc hơn, kết quả tốt hơn, hay nói nôm na là “ít hao”, “không lãng phí”.